Áo dài nên được dùng trong những dịp trang trọng. Bắt phụ nữ, nữ sinh mặc hàng ngày là một gánh nặng với họ.
Cuộc tranh luận về đồng phục áo dài của nữ sinh đang diễn ra sôi động. Một trong những lời bênh vực việc bắt buộc nữ sinh phải mặc áo dài trắng là "giữ gìn truyền thống".
Thật ra chiếc áo dài nữ sinh ngày nay lại là biến tướng của truyền thống ông bà.
Các bạn Tây của tôi đều đã được xem những tấm hình về chiếc áo dài và đặc biệt là áo dài đồng phục nữ sinh. Ai cũng nói là "Ô đẹp quá, sexy quá". Tệ nhất là một ông bạn khoái chí cười rằng: "Khoe đường cong quá nha".
Nếu chúng ta lên Google và tìm vài tấm hình áo dài xưa, khoảng đầu những năm 1900, thì chúng ta sẽ thấy là áo dài thời đó nam cũng như nữ, suông đuột như nhau, không có chuyện bó sát ba vòng.
Mấy tấm áo dài ngày nay đã được biến tấu theo hướng khoe đường cong, vốn chưa từng là truyền thống của cha ông. Còn áo dài trắng thì ôi thôi, ngoài đường cong còn khoe cả luôn da và mấy món nội y nữa là khác. Nói về màu trắng tinh khôi đấy thì thật ra đây mới là một khái niệm rất không truyền thống.
Màu trắng chỉ tinh khôi trong quan điểm của người phương Tây, cô dâu của họ mới mặc áo trắng để chỉ sự tinh khiết. Vậy áo dài màu trắng có từ khi nào? Nó bắt đầu xuất hiện từ Huế trở về phía nam hồi thời chiến tranh.
Khái niệm trắng tinh khôi đấy cũng du nhập ở nước ngoài về và do các bà mệnh phụ phu nhân lăng xê, dần lan ra mấy cô nữ sinh hồi đó và sau cùng đi vào mấy bài hát do các anh nhạc sĩ lãng mạn sáng tác ra. Màu trắng và những người lăng xê nó chả có liên quan gì tới truyền thống ông cha ta cả. Sau rốt thì cái áo dài đó không phải là dành cho phụ nữ.
Áo dài là dành cho nam giới hàng ngàn năm. Phụ nữ Việt Nam ngày xưa mặc váy. Cho nên mới có câu đố: "Cái thúng mà thủng hai đầu. Bên ta thì có bên Tàu thì không".
Phụ nữ Đàng trong mới bắt đầu mặc quần dưới thời chúa Nguyễn. Về sau khi nhà Nguyễn lên ngôi, vua Minh Mạng mới ban chiếu bắt phụ nữ khắp nước phải mặc quần. Từ đó mới có bài vè: "Tháng tám có chiếu vua ban. Cấm quần không đáy người ta hãi hùng. Không đi thì chợ không đông. Đi lấy quần chồng mà mặc sao đang."
Và chỉ khi đã mặc quần thì phụ nữ Việt Nam mới mặc luôn cái áo dài của cánh nam nhi.
Cách sử dụng áo dài của người Việt Nam ngày nay cũng trái với truyền thống xưa. Có lẽ chúng ta nên đem truyện của Nam Cao ra mà đọc một chút. Trong chuyện Một đám cưới, cha của Dần nói về câu chuyện lo đám cưới cho con với bà thông gia tương lai. Bà ấy nói rằng: "May quần chùng áo dài cho cháu, bất quá chỉ mặc một ngày cưới mà thôi, rồi cũng bằng để đấy, cảnh nhà chúng ta thì còn hội hè đình đám gì mà phải sắm quần chùng áo dài kia chứ?".
Ngày xưa áo dài chỉ để mặc những dịp trang trọng. Ngày thường thì mặc áo ngắn, như áo bà ba, để đi làm công việc thường ngày. Lôi cái áo dài ra bắt các em học sinh, giáo viên và cả nhiều người lao động bình thường khác mặc mỗi ngày là một sự lạm dụng áo dài.
Nó cũng tương tự như mặc vest đi giao hàng vậy đó. Nói tóm lại, cái sự bắt nữ sinh mặc áo dài trắng hiện nay không có liên quan gì tới truyền thống của nước ta hết.
Về hình dáng, chiếc áo dài ngày nay được biến thể thành dụng cụ để khoe đường cong.
Về cách sử dụng thì đem trang phục trang trọng vào thường nhật. Cái sự biến tướng đấy tội cho các em nữ sinh là vậy, nhưng còn tội cho chiếc áo dài nữa chứ.